Mật tông tại Trung Quốc Mật_tông

Mật Tông du nhập vào Trung Quốc vào khoảng thế kỷ 7 và thịnh hành vào thế kỷ 8 với sự xuất hiện của ba vị Cao tăng Ấn Độ sang truyền pháp là Thiện Vô Uý (zh. 善無畏, sa. śubhākārasiṃha; 637-735), Kim Cương Trí (zh. 金剛智, sa. vajrabodhi; 663-723) và Bất Không Kim Cương (zh. 不空金剛, sa. amoghavajra; 705-774). Ba ngài được tôn vinh là Khai Nguyên Tam Đại Sĩ. Dòng truyền thừa vào Trung Quốc xuất phát từ trung tâm Phật học Na-lan-đà. Cả ba ngài Kim Cương Trí, Thiện Vô Úy và Bất Không Kim Cương từng được Sư Long Trí (là đệ tử của Ngài Long Thọ) truyền pháp. Thiện Vô Uý, được coi là tổ sư của Mật tông Trung Hoa và là người dịch Đại Nhật kinh (sa. mahāvairocana-sūtra), kinh căn bản của tông này, ra chữ Hán.

Hai dòng Mật tông Ấn Độ Chân Ngôn thừa và Kim Cương thừa truyền đến đại sư Nhất Hạnh - đệ tử của Thiện Vô Úy - thì nhập lại làm một ở Trung Quốc.[4]

Mật tông tại Trung Quốc rất thịnh hành vào đời Đường, nhưng dần dần thoái trào và về sau này thì tưởng như suy vi hẳn.